Viêm quanh khớp vai không chỉ gây đau mà còn có thể làm cứng khớp vai nếu tình trạng bệnh kéo dài mà không được điều trị đúng cách. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động của cơ thể và nhiều vấn đề khác. Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ nguyên nhân, cơ chế gây bệnh và có cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
Định nghĩa viêm quanh khớp vai là gì?
Viêm quanh khớp vai (tiếng anh: Periarthritis humeroscapularis) là cụm từ chỉ những bệnh lý viêm phần mềm xung quanh khớp vai như: gân, cơ, dây chằng, túi thanh dịch hoặc bao khớp. Nhóm bệnh không bao gồm: các tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp…
Khớp vai có cấu tạo phức tạp và liên đới với nhiều rễ thần kinh vùng cổ, lưng trên và các hạch giao cảm ở cổ vì vậy khi bị viêm quanh khớp vai, ngoài sự đau đớn khó chịu, khả năng vận động của người bệnh cũng bị hạn chế
Xem thêm chi tiết về cấu tạo khớp vai qua bài viết: https://antoanvoisuckhoe.com/giai-phau-khop-vai/
Nguyên nhân gây viêm khớp vai
Chủ yếu có 4 nguyên gây ra bệnh viêm quanh khớp vai, cụ thể như sau:
- Cơ thể lão hóa làm gân bị thoái hóa, viêm gân chóp xoay: thường xảy ra ở người có độ tuổi 50 trở lên
- Khớp vai gặp những chấn thương do sinh hoạt như lao động nặng, chơi thể thao quá sức
- Viêm bao hoạt dịch mỏm cùng dưới vai hoặc viêm gân dài cơ nhị đầu cánh tay
- Biến chứng của một số bệnh lý khác như: tim mạch, hô hấp, tiểu đường, ung thư vú, thần kinh, lạm dụng thuốc ngủ
Các triệu chứng bệnh viêm quanh khớp vai
Viêm quanh khớp vai làm người bệnh cảm thấy đau đớn và giảm biên độ hoặc khả năng vận động của vai, cụ thể có 4 triệu chứng bao gồm:
Đau khớp vai đơn thuần (viêm gân mạn tính)
Người mắc triệu chứng này có độ tuổi trung bình 50 trở lên hoặc người gặp chấn thương thể thao làm các gân của khớp vai bị viêm. Vị trí phổ biến nhất là đầu dài gân nhị đầu, gân cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai, cơ tròn nhỏ.
Cơn đau vai xuất hiện đột ngột khi vận động hoặc các chấn thương vai xảy ra liên tiếp. Cảm giác đau trở nên dữ dội hơn khi thực hiện các cử động vai như nâng cánh tay, co cánh tay đối kháng,… hoặc đau nhiều hơn khi về đêm.
Người bệnh sẽ đau nhói khi bị ấn tại điểm bám tận gân bó dài của gân cơ nhị đầu cánh tay (mặt trước của khớp vai, dưới mỏm quạ 1cm) hoặc gân trên gai (mỏm cùng vai).
Người bệnh khó nằm nghiêng; khó chịu khi nằm tì vào vai; cơn đau có thể lan xuống cánh tay và cẳng tay.
Đau vai cấp (viêm khớp vi tinh thể)
Túi thanh mạc từ vi tinh thể bị viêm trong quá trình canxi hóa các gân cơ chóp xoay và việc canxi hóa lan đến túi thanh mạc dưới mỏm cùng cơ delta gây ra tình trạng đau vai cấp.
Khi bị đau vai cấp, người bệnh sẽ gặp những cơn đau đột ngột và dữ dội có thể gây mất ngủ. Cơn đau lan rộng ra toàn bộ vai, cổ có thể xuống tận bàn tay.
Khả năng vận động khớp vai của người bệnh bị giảm rõ rệt, thường phải để cánh tay sát vào thân.
Thường không thể làm được các động tác vận động thụ động khớp vai, đặc biệt là động tác giạng (giả cứng khớp vai do đau).
Vai bị sưng và nóng,… thậm chí có thể sốt nhẹ.
Giả liệt khớp vai (đứt mũ gân cơ quay)
Những cơn đau vai dữ dội kèm tiếng kêu răng rắc vì các gân cơ chóp xoay đứt đột ngột khi cử động; xuất hiện vết bầm phần trước trên cánh tay sau đó vài ngày.
Các cơn đau sau đó có thể biến mất nhưng vận động vẫn bị hạn chế rõ rệt, người bệnh không thể thực hiện các động tác nâng vai chủ động, trong khi vận động thụ động hoàn toàn bình thường.
Đông cứng khớp vai
Tình trạng khớp vai đau kiểu cơ học, thường xuất hiện về đêm.
Cơn đau có thể giảm dần sau vài tuần nhưng khớp vai bị đông cứng, hạn chế 1 số cử động vai như: không thể đưa tay lên cao, dang cánh tay hoặc xoay ngoài.
Nhìn từ phí sau, khi người bệnh giơ tay lên sẽ thấy xương bả vai di chuyển cùng một khối với xương cánh tay.
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Để chẩn đoán bệnh viêm quanh khớp vai, bác sĩ sẽ phải kiểm tra bằng các phương pháp sau:
- Siêu âm khớp để đánh giá các tổn thương khớp vai nếu có.
- Chụp X-quang khớp vai xác định nguyên nhân viêm có phải do thoái hóa hay lắng đọng canxi ở gân cơ trên vai không?!
- Chụp khớp vai có bơm thuốc cản quang hoặc MRI ghi hình khớp vai có bơm thuốc cản quang (MRI arthrogram) đánh giá tình trạng đứt gân có hay không?!
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp chẩn đoán chính xác các tổn thương phần mềm khớp vai.
- Nội soi khớp vai nhằm xác định mức độ và hướng điều trị cho tình trạng viêm khớp ở vai.
Điều trị viêm quanh khớp vai
Trước khi được tiến hàng điều trị viêm, người bệnh nên để khớp vai nghỉ ngơi, hạn chế cử động khi phát hiện các triệu chứng.
Theo Tây Y
Điều trị nội khoa
- Sử dụng Thuốc giảm đau thông thường theo bậc thang của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dùng một trong các thuốc sau: acetaminophen 0,5g x 2-4 viên trong 24h; acetaminophen kết hợp với codein hoặc tramadol 2-4 viên trong 24h.
- Thuốc chống viêm không steroid, được chỉ định một trong các thuốc sau:
- Diclofenac 50mg x 2viên/24h.
- Piroxicam 20mg x 1viên/24h.
- Meloxicam 7,5mg x 1-2viên/24h.
- Celecoxib 200mg x 1 – 2viên/24h.
- Viêm khớp vai đơn thuần thực hiện tiêm corticoid tại chỗ . Thuốc tiêm tại chỗ (vào bao gân, bao thanh dịch dưới cơ delta) thường sử dụng là các muối của corticoid như methylprednisolon acetat 40mg; betamethason dipropionat 5mg hoặc betamethason sodium phosphat 2mg tiêm 1 lần duy nhất; sau 3-6 tháng có thể tiêm nhắc lại nếu cơn đau tái phát. Tránh tiêm corticoid ở bệnh nhân bị đứt gân bán phần do thoái hóa. Tiêm corticoid ở bệnh nhân này có thể dẫn đến hoại tử gân và gây đứt gân hoàn toàn. Nên tiêm dưới hướng dẫn của siêu âm.
- Nhóm thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm:
- Glucosamin sulfat: 1500mg x1gói/24h.
- Diacerein 50mg: 01-02 viên mỗi ngày. Có thể duy trì 3tháng.
- Khi vai đau cấp tính cần phải để cho vai được nghỉ ngơi. Sau khi điều trị có hiệu quả thì bắt đầu tập luyện để phục hồi chức năng khớp vai, đặc biệt thể đông cứng khớp vai. Tránh vận động quá sức trong thời gian dài, tránh các động tác dạng quá mức hay nâng tay lên cao quá vai.
- Phẫu thuật nội soi ổ khớp lấy các tinh thể calci lắng đọng.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) tự thân áp dụng cho các thể đứt bán phần các gân mũ cơ quay do chấn thương ở bệnh nhân dưới 60 tuổi.
Ngoại khoa
- Chỉ định đối với thể giả liệt, đặc biệt với người bệnh còn trẻ bị đứt các gân vùng khớp vai do chấn thương. Phẫu thuật để nối chỗ nối gân bị đứt. Ở người lớn tuổi (> 60 tuổi), đứt gân do thoái hóa, cần thận trọng trong các chỉ định ngoại khoa.
- Bệnh nhân nên tái khám định kỳ sau 1-3 tháng, tùy theo tình trạng bệnh. Có thể siêu âm khớp vai để kiểm tra tình trạng của gân, bao gân và khớp vai.
Y học cổ truyền
Bài thuốc đông y
Thể Kiên thống (tương ứng với viêm quanh khớp vai đơn thuần của Y học hiện đại):
Phương pháp điều trị: Khu phong tán hàn, hành khí hoạt huyết.
Tham khảo phương thuốc Quyên Tý Thang gia giảm:
- Khương hoạt 8g
- Xích thược 12g
- Đương quy 12g
- Gừng 4 lát
- Hoàng kỳ 20g
- Phòng phong 8g
- Khương hoàng 12g
- Trích Cam thảo 4g
- Đại táo 3 quả
Cách dùng: các vị để chung sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang chia làm 2 lần uống.
Chi tiết bài thuốc Quyên Tý Thang thường được dùng để chữa viêm quanh khớp vai trong Đông y >> https://antoanvoisuckhoe.com/bai-thuoc-quyen-ty-thang-chua-dau-khop-viem-quanh-khop-vai/
Thể Hậu kiên phong (tương ứng với thể hội chứng vai tay, loạn dưỡng phản xạ chi trên)
Phương pháp điều trị: Bổ khí huyết, hoạt huyết tiêu ứ.
Tham khao phương thuốc Tứ vật đào hồng gia vị. Các vị như sau:
- Thục địa 16g
- Đương quy 10g
- Bạch thược 12g
- Xuyên khung 10g
- Đào nhân 10g
- Hồng hoa 10g
- Đẳng sâm 16g
- Hoàng Kỳ 16g
Các vị để chung, sắc lấy nước uống ngày dùng 1 thang.
Châm cứu, bấm huyệt
Trước khi thực hiện các liệu pháp huyệt đạo, massage viêm quanh khớp vai phải dùng khăn nóng chườm đắp và xoa lau nhẹ nhàng từ cổ cho đến khắp hai bờ vai; lúc thường ngày cũng cần luôn giữ ấm vai, để phòng ngừa vai bị hàn lạnh.
Khi tiến hành liệu pháp huyệt đạo để chữa trị bệnh Viêm khớp xương vai cần tập trung tác động lên các huyệt đạo trước và sau vùng vai như: Kiên tỉnh, Kiên ngung, Nhu hội, Tí nhu, Vân môn, Thiên tông… Đối với chứng nhức mỏi vai thì áp dụng liệu pháp đốt cứu cũng có hiệu quả cao. Cách tác động đến các huyệt cụ thể như sau:
- Huyệt Kiên Tỉnh: Người trị liệu ở phía sau, hai bàn tay giữ hai vai người bệnh, đầu hai ngón tay cái ấn và day mạnh lên hai huyệt Kiên tỉnh của người bệnh, có hiệu quả cao tiêu trừ đau nhức bả vai. Người bệnh có thể dùng đầu ngón trỏ tay trái ấn lên huyệt Kiên tỉnh trên vai phải và đầu ngón trỏ tay phải ấn lên huyệt Kiên tỉnh vai trái của mình để tự chữa bệnh.
- Huyệt Kiên Ngung: Một tay người trị liệu giữ cánh tay người bệnh, đầu ngón tay cái của bàn tay kia ấn mạnh lên huyệt Kiên Ngung của người bệnh, làm tiêu trừ đau đớn cơ tam giác bả vai; kết hợp với việc massage từ giữa ngực dọc bên dưới xương quai xanh cho đến huyệt đạo này, càng phát huy hiệu quả.
- Huyệt Nhu Hội: Một tay người trị liêu giữ cánh tay người bệnh, đầu ngón cái của bàn tay kia ấn mạnh lên huyệt Nhu Hội của người bệnh, có hiệu quả tiêu trừ chứng đau cơ tam giác bả vai và nhức mỏi cánh tay trên; kết hợp với việc day ấn lên huyệt đạo này sẽ giúp khắc phục tình trạng cánh tay không thể giơ cao.
- Huyệt Vân Môn: một bàn tay người trị liệu đỡ lưng người bệnh, đầu các ngón tay trỏ và giữa của tay kia ấn mạnh lên huyệt Vân môn của người bệnh, có hiệu quả tiêu trừ đau nhức khớp vai cánh tay, kích thích sự hoạt động của cơ bả vai, làm cho cánh tay đưa lên xuống dễ dàng thuận lợi. Ấn thêm lên huyệt Trung phủ ở phía dưới huyệt Vân môn thì hiệu quả càng cao.
- Huyệt Tí Nhu: một tay ngưòi trị liệu nắm cánh tay người bệnh, đầu ngón cái của tay kia ấn mạnh lên huyệt Tí nhu của người bệnh, làm tiêu trừ đau nhức cánh tay. Ngoài việc bấm huyệt thì việc massage, nắn bóp cánh tay từ trên xuống dưới cũng có hiệu quả tương tự.
- Huyệt Thiên Tông: Để người bệnh nằm sấp, hai tay dang ngang; người trị liệu quỳ bên đùi, chồm về phía trước, hai bàn tay ôm hai bên sườn người bệnh, đầu hai ngón tay cái cùng lúc ấn lên hai huyệt Thiên tông; làm tiêu trừ triệu chứng đau đớn khi giơ cao cánh tay. Kết hợp với việc ấn lên các huyệt Khúc viên và Phách hộ trên xương vai, hiệu quả càng cao.
Phòng ngừa viêm quanh khớp vai
Một số sinh hoạt bạn cần lưu ý để có thể phòng ngừa viêm quanh khớp vai:
- Hạn chế lao động quá sức hoặc mang vác nặng
- Tham gia các môn thể thao dễ chấn thương nên có bảo hộ và cẩn thận
- Không nên thay đổi tư thế vai đột ngột, ngoài ra bạn cũng nên khởi độn) khớp vai và cánh tay trước khi vận động hoặc thể thao.
- Nên có thời gian nghỉ ngơi sau khi vận động vai nhiều và tránh tối đa các tác động chèn ép vai.
Trên đây là bài viết về viêm quanh khớp vai, hy vọng có thể giúp bạn đọc hiểu thêm về căn bệnh này và cách phòng ngừa hiệu quả với nó.