Viêm vùng chậu (PID) là tình trạng nhiễm trùng tại cơ quan sinh sản của nữ giới, nguyên nhân thường đến bởi các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Bệnh tuy phổ biến nhưng hoàn toàn có thể điều trị, bạn đọc nên tham khảo bài viết này để nắm được nguyên nhân cũng như triệu chứng để có hướng bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Viêm vùng chậu ở nữ giới là gì?
Viêm vùng chậu (pelvic inflammatory disease viết tắt là PID) là bệnh lý nhiễm trùng các cơ quan vùng chậu ở bụng dưới bao gồm: buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung và cổ tử cung, âm đạo, ngoài ra còn có bàng quang và đại trực tràng.
Vi khuẩn khi đã xâm nhập vào các cơ quan vùng chậu thông qua âm đạo của chị em có thể gây ra áp-xe trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.
Triệu chứng bệnh viêm vùng chậu
Các triệu chứng đối với bệnh lý này thường không rõ ràng, nhiều trường hợp người bệnh không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào hoặc các triệu chứng gây nhầm lẫn với các bệnh viêm phụ khoa khác. Ngoài ra tùy vào mỗi cá nhân mà dấu hiệu bệnh cũng sẽ biểu hiện khác nhau.
Chị em phụ nữ khi phát hiện các triệu chứng cần đến các cơ sở y tế thăm khám để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.
Đau vùng bụng dưới
Viêm vùng chậu gây ra những cơn đau âm ỉ vùng bụng dưới và mức độ cơn đau từ nhẹ đến nặng theo thời gian, cơn đau đặc biệt dữ dội hơn vào những ngày hành kinh. Ngoài vùng bụng dưới, các chị em cũng có thể bị đau nhức ở thắt lưng, xương chậu, hai bên hông,… gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt và đời sống.
Khí hư bất thường
Viêm vùng chậu có thể làm cho âm đạo tiết khí hư nhiều hơn, có nhiều màu sắc lạ như: trắng đục hoặc vàng hoặc xanh xám đôi khi lẫn với máu; bên cạnh đó còn xuất hiện mùi hôi vùng kín.
Tìm hiểu thêm các bệnh lý có thể gặp khi Quần lót nữ dính khí hư tại: https://antoanvoisuckhoe.com/quan-lot-nu-dinh-khi-hu/
Cảm giác đau khó chịu khi quan hệ tình dục
Viêm vùng chậu làm cho niêm mạc tử cung bị tổn thương nên dễ xảy ra đau đớn khi dương vật ma sát với thành âm đạo hoặc tử cung, cơn đau sẽ trở nên khủng khiếp hơn khi ấn vào vùng hạ vị “yêu” với tư thế thô bạo. Nếu không điều trị, phái nữ sẽ dần lãnh cảm và sợ sệt khi quan hệ tình dục, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây yếu sinh lý ở nữ giới.
Âm đạo xuất huyết khi không trong kỳ kinh nguyệt
Khi vi khuẩn gây ra những tổn thương nhất định tại vùng chậu sẽ làm âm đạo xuất huyết bất thường dù người bệnh không trong kỳ kinh nguyệt.
Rối loạn chu kỳ kình nguyệt
Do vùng chậu có sự liên hệ với ống dẫn trứng và buồng trứng nên khi viêm vùng chậu xảy ra kinh nguyệt của phụ nữ sẽ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: kinh nguyệt không đều, ngày hành kinh thay đổi, máu kinh có màu sẫm hoặc đỏ nhạt, lượng máu kinh nhiều ít thất thường,…
Một số triệu chứng khác
Bên cạnh các dấu hiệu thường gặp, PID cũng có thể gây ra một số triệu chứng khác như:
- Âm đạo chảy máu khi quan hệ tình dục.
- Cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi.
- Đau buốt khi đi tiểu.
- Sốt trên 38°C.
- Buồn nôn.
Nguyên nhân gây ra viêm vùng chậu
Có 2 nguyên nhân phổ biến tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vùng chậu dễ dàng là do 2 căn bệnh lây truyền qua đường tình dục: lậu và Chlamydia.
Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn là do sự xâm nhập của vi khuẩn vào đường sinh sản trong thời kỳ kinh nguyệt và sau sinh; sảy thai hoặc phá thai gây nên viêm vùng chậu.
Các yếu tố nguy cơ trong sinh hoạt thường ngày làm tăng khả năng mắc bệnh viêm vùng chậu:
- Quan hệ tình dục sớm.
- Quan hệ nhiều bạn tình.
- Quan hệ tình dục với người có nhiều bạn tình.
- Không dùng bao cao su khi quan hệ.
- Thụt rửa âm đạo sâu hoặc thường xuyên, lau âm đạo từ sau ra trước.
- Đã từng mắc bệnh viêm vùng chậu hoặc các bệnh lây STDs.
- Đặt dụng cụ tử cung (DCTC). Nguy cơ viêm vùng chậu vì tác nhân này khá hiếm và được giới hạn trong ba tuần đầu tiên sau khi đặt.
Biến chứng của bệnh
PID nếu không được điều trị kịp thời có thể làm mô sẹo và áp xe trong các bộ phận sinh sản ảnh hướng xấu đến thiên chức làm mẹ của phụ nữ.
Các biến chứng nguy hiểm thường gặp do viêm vùng chậu gây ra:
Thai ngoài tử cung
Trong trường hợp viêm vùng chậu không được điều trị, mô sẹo trong ống trứng phát triển sẽ gây ra tình trạng thai ngoài tử cung. Lý giải cho việc này là do mô sẹo cản trở sự di chuyển của tinh trùng đi qua ống dẫn trứng để đến tử cung, tinh trùng phải dùng lại và cấy vào ống dẫn trứng.
Vô sinh
PID để lại sẹo trên ống dẫn trứng, các sẹo này gây tắc ống dẫn trứng cản trở sự thụ tinh, đây là cách viêm vùng chậu gây vô sinh ở nữ giới.
Áp xe buồng trứng
Áp xe là một tổ chức viêm nhiễm, khu trú tạo thành khối mềm, trong khối mềm đó chứa đầy mủ cấu tạo từ vi khuẩn, xác bạch cầu và các mảnh vụn.
Viêm vùng chậu có thể tạo ra áp xe trong đường sinh sản, tác động xấu đến ống dẫn trứng và buồng trứng, có thể phát triển trong tử cung hoặc trong các cơ quan vùng chậu khác. Bệnh nhân hoàn toàn có thể nhiễm trùng và ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Đau vùng chậu mãn tính
PID có thể khiến các cơn đau vùng chậu kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm. Bên cạnh đó sẹo trong ống dẫn trứng hoặc các cơ quan vùng chậu cũng có thể gây đau vào những ngày rụng trứng hoặc khi quan hệ tình dục.
Chẩn đoán viêm vùng chậu
Để có chẩn đoán chinh xác liệu bệnh nhân có viêm vùng chậu hay không, trước tiên các bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh cũng như các thói quen sinh hoạt tình dục sau đó sẽ tiến hành một số xét nghiệm để xác nhận kết quả chẩn đoán. Các xét nghiệm PID bao gồm:
- Khám, kiểm tra đánh giá các cơ quan vùng chậu
- Nuôi cấy cổ tử cung đánh giá khả năng nhiễm trùng cổ tử cung
- Xét nghiệm nước tiểu để tìm dấu hiệu của máu, ung thư và các bệnh khác
Các xét nghiệm bổ sung khác:
- Siêu âm vùng chậu
- Sinh thiết nội mạc tử cung
- Nội soi
Điều trị viêm vùng chậu
Điều trị viêm vùng chậu là việc hoàn toàn có thể tuy nhiên rất khó để khắc phục các vết sẹo hình thành trong giai đoạn nhiễm bệnh.
Các phương pháp điều trị viêm vùng chậu:
- Đầu tiên các bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh chỉ định qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Các bác sĩ có thể sẽ chỉ định 1, 2 hoặc nhiều loại kháng sinh phối hợp cùng lúc. Thời gian tái khám thông thường sau 2-3 ngày để đánh giá kết quả điều trị. Lưu ý khi sử dụng kháng sinh tuyệt đối đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ điều trị, không tự ý ngưng thuốc dù cảm thấy hết triệu chứng, tái khám theo lịch của bác sĩ.
- Trong trường hợp người mắc PID là thai phụ hoặc nhiễm HIV, đang mắc bệnh nặng khác hoặc thể trạng không thể dùng thuốc qua đường uống sẽ cân nhắc để được nhập viện điều trị đường tiêm tĩnh mạch. Người bệnh phải kiêng quan hệ tình dục suốt quá trình điều trị.
- Biện pháp phẫu thuật sẽ được sử dụng khi bệnh nhân bị áp xe vùng chậu hoặc các trường hợp bệnh không thể đáp ứng các biện pháp điều trị khác
Các lưu ý khác, bạn tình của người bệnh cũng cần được điều trị cùng lúc, gặp bác sĩ hoặc nhập viện khẩn cấp nếu phát hiện các triệu chứng sau:
- Các chẩn đoán không rõ ràng.
- Phụ mang thai.
- Trường hợp dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch.
- Áp-xe trong ống dẫn trứng hoặc buồng trứng.
- Dự đoán diễn biến xấu của bệnh.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Sốt cao.
Chị em không nên chủ quan, vì bệnh viêm vùng chậu không được điều trị kịp thời sẽ tăng nguy cơ biến chứng và ảnh hưởng tính mạng.
Ngăn ngừa viêm vùng chậu như thế nào?
Các biện pháp để chị em giảm thiểu nguy cơ viêm vùng chậu bao gồm:
- Quan hệ tình dục an toàn, nên sử dụng bao cao su.
- Chung thủy một bạn tình, không quan hệ với người có thói quen tình dục bừa bãi.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách, không thụt rửa sâu âm đạo.
Trên đây là bài viết chi tiết về bệnh Viêm vùng chậu (PID) mang tính chất tham khảo, không thay thế các chẩn đoán và điều trị trực tiếp của bác sĩ. Bạn đọc có tham khảo nhiều bài viết hơn về sức khỏe tại https://antoanvoisuckhoe.com/